Lịch Sử và Ý Nghĩa của ngày Halloween

*** Tên gọi:
Tên Halloween hay còn gọi Hallowe'en có nguồn gốc Kitô giáo từ khoảng năm 1745. Từ “Halloween” là từ viết tắt của câu "All Hallows’ Evening” (buổi tối của Lễ Chư Thánh).

*** Nguồn gốc ra đời:
Ngày Halloween là một lễ hội truyền thống ở nhiều nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Ngày lễ được diễn ra hàng năm từ buổi chiều tối ngày 31/10 cho tới 12 giờ đêm. Hiện nay, lễ Halloween đã trở nên khá phổ biến tại Việt Nam.
Có những tài liệu cho rằng, lễ hội Halloween ngày nay chịu ảnh hưởng nhiều từ lễ Samhain của dân tộc Celt, một dân tộc sống cách đây hơn 2000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ai-len (Ireland) và miền Bắc nước Pháp…Vào ngày 1/11 hàng năm, người Celt sẽ tổ chức lễ hội Samhain để đánh dấu cho sự kết thúc của mùa hè và thời tiết chuyển sang đông, đây cũng là thời điểm để khởi đầu một năm mới.
Họ tin rằng khi mùa hè kết thúc và mùa đông lạnh lẽo, tràn đầy bóng tối bắt đầu thì vào đêm trước của năm mới (tức ngày 31/10) ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mờ nhạt, điều này khiến cho những linh hồn đã khuất có thể tìm được đường về cõi người sống.
Các linh hồn sẽ trở về thế gian tìm kiếm thân xác để hồi sinh. Do đó vào ngày này, người dân thường dập tắt các đám lửa trong nhà của họ, biến bản thân trở nên lạnh lẽo và hy vọng các linh hồn sẽ bỏ qua.
Đồng thời, họ cũng có tục lệ mặc các trang phục mô phỏng ma quỷ, diễu hành ồn ào quanh các khu phố để trấn an nỗi lo sợ các linh hồn.
Theo thời gian, lễ Halloween đã du nhập sang rất nhiều nước khác nhau, nhưng mỗi nước biến tấu nó đi để có ngày lễ Halloween phù hợp với phong tục của nước họ. Ngày nay, lễ hội này đã trở nên phổ biến với nhiều quốc gia trên thế giới.

*** Ý Nghĩa

Gắn liền với truyền thuyết của người Ai-len về anh chàng Jack, một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Và anh ta cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không thể bắt anh.
Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là:
- Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt
- Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn
- Không nên chơi đùa với ma quỷ. (Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội... Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi)
Ngày nay đối với các xã hội Âu, Mỹ, hay người dân trên toàn thế giới ngày Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó.
Với ý nghĩa nhân bản này, ngày lễ Halloween và Rằm tháng Bảy Âm lịch của nước ta có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la.

*** Biểu Tượng
Các biểu tượng liên quan đến Halloween được hình thành và phát triển theo thời gian.
Củ cải được khoét rỗng thành những chiếc đèn lồng hình mặt quỷ, bên trong cắm 1 cây nến như là một cách tưởng nhớ các linh hồn đang chịu tội. Củ cải được sử dụng ở Ireland và Scotland vào dịp Halloween. Những người nhập cư Bắc Mỹ sử dụng bí ngô, thứ sẵn có và lớn hơn nhiều, giúp cho việc khắc trở nên dễ dàng hơn. Truyền thống chạm khắc bí ngô của Mỹ (được ghi lại vào năm 1837) và trở nên quen thuộc vào giữa đến cuối thế kỷ 19.
Các hình ảnh của Halloween ngày nay có nguồn gốc từ nhiều nguồn, bao gồm cả thuyết mạt thế, phong tục tập quán, văn học hư cấu Gothic và văn học kinh dị và phim kinh dị kinh điển. Hình ảnh đầu lâu, theo truyền thống của Công giáo, có ý nghĩa như là một sự nhắc nhở về cái chết và tính không bền vững của đời người, từ đó, đầu lâu trở thành hình ảnh thường thấy trong lễ Halloween. Vào dịp này, các ngôi nhà thường được trang trí bằng các biểu tượng có liên quan đến mùa thu như bù nhìn, bí ngô, vỏ ngô với chủ đề chính là về cái chết, quỷ dữ, quái vật thần thoại. Màu sắc chủ đạo là đen và da cam, đôi khi là tím.

*** Hoạt Động
Halloween là buổi tối áp lễ Các Thánh ngày 1 tháng 11. Lễ Các Thánh được đặt làm lễ buộc trong khắp Tây Âu; nhiều truyền thống trong Tam nhật Các Thánh được phát triển như rung chuông nhà thờ, cầu nguyện cho các linh hồn đang thanh tẩy trong luyện ngục, làm bánh linh hồn ("soul cakes") và chia sẻ cho trẻ em và người nghèo. Vào ngày áp lễ Các Thánh, tại Ireland có tục lệ gõ đập nồi niêu để các linh hồn chịu phạt trong hỏa ngục biết rằng họ không bị quên đi. Tại Pháp, người ta vẽ các bức họa vũ điệu của cái chết (danse macabre) để nhắc nhở về sự phù vân của cuộc đời trần thế. Chủ đề này còn được tái hiện trong các đám rước ở làng và các vở vũ kịch dành cho quý tộc, tại đó người ta hóa trang thành thi hài của nhiều giai tầng xã hội.
Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (trẻ con hoá trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo), dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô thành jack-o'-lantern, đớp táo, các trò đùa cợt, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị. Ở nhiều nơi trên thế giới, những cử hành Kitô giáo trong ngày lễ Halloween như tham dự lễ nhà thờ và thắp nến trên các ngôi mộ, Trong đêm Vọng lễ Chư Thánh tại một số nơi trên thế giới, các Kitô hữu tới viếng thăm nghĩa trang để cầu nguyện cho người đã khuất, đặt hoa và nến trên mộ phần người thân yêu.

*** Trò chơi Trick- or-treat (bị ghẹo hay cho kẹo)
Người dân Scotland, Ireland, England di cư đến Mỹ đã mang theo cả ngày lễ truyền thống này. Khi đến Mỹ, Halloween mới được đón nhận và lan tỏa đi khắp thế giới với câu "thần chú" Trick or Treat. "Trick" trong tiếng Anh nghĩa là đánh lừa, chỉ trò đùa nghịch ngợm trong ngày Halloween, "Treat" là tiếp đãi, đối xử tử tế và cũng là tên một loại kẹo. Câu nói này mang hàm ý: "Nếu không muốn bị chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi món gì đi".
Từ những năm 1950 trò chơi Trick or Treat được trẻ em yêu thích trong dịp Halloween, đặc biệt là tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, trên thực tế thì đây là một trò chơi đã có lịch sử từ rất lâu trước đó, nó bắt nguồn từ tập tục hóa trang xin đồ ăn và cầu nguyện cho linh hồn (tiếng Anh gọi là “go Souling and Guising”) ở Scotland vào thế kỷ 19.
Trick-or-treat là một phong tục cho trẻ em vào đêm Halloween. Trẻ em trong trang phục Halloween và xách theo một túi đựng kẹo đi từ nhà này sang nhà khác đòi kẹo, đôi khi đòi tiền bạc với câu hỏi: "Trick-or-treat?" (thường dịch là "lừa hay lộc" hoặc "cho kẹo hay bị ghẹo"). Những đứa trẻ sẽ nghịch ngợm, chọc phá chủ nhà hoặc tài sản của họ nếu họ không cho kẹo.
Ý nghĩa của trò chơi này cũng tương tự với ý nghĩa phong tục xin ăn và cầu nguyện của người Scotland vào thế kỷ 19. Vào thời đó, trẻ em cải trang (còn gọi là "Guising”), gõ cửa từng nhà xin thức ăn hoặc tiền. Đổi lại, chúng sẽ thay người chết hát và cầu nguyện cho người tặng đồ ăn, tiền, hoạt động đó gọi là Souling. Ngày nay trờ chơi “Trick or Treat” cũng mang ý nghĩa tương tự nhưng nghiêng về mặt giải trí hơn là về mặt tâm linh.

***Món ăn truyền thống
Trong lịch sử, một số người Kitô giáo từng kiêng thịt vào đêm Vọng lễ Các Thánh. Một truyền thống dẫn đến thói quen ăn những loại thực phẩm nhất định vào đêm canh thức này, bao gồm táo, bánh kếp khoai tây và bánh ngọt linh hồn. Ngày lễ Halloween có những món ăn truyền thống, mang ý nghĩa riêng như kẹo táo, bánh linh hồn, súp bí đỏ, táo caramel, ngô ngọt, barnbrack, colcannon...