Nguồn Gốc Của Cốm

Cốm làng Vòng là một đặc sản ẩm thực của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Cốm là sản phẩm đặc trưng bắt nguồn từ làng Vòng, trước đây có tên là thôn Hậu, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo truyền thuyết cách đây hơn nhìn năm thì vào một mùa thu khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, những ruộng lúa chìm trong nước. Người làng Vòng đành đi mò cắt những bông lúa còn non mang về rang khô để ăn dần, chống đói. Cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy có hương vị riêng và hấp dẫn. Từ đó người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.
Trải qua mỗi lần làm, rút kinh nghiệm và sáng tạo từ bông lúa non đã tạo nên hạt cốm ngày càng xanh, càng dèo, càng thơm và càng mỏng. Cùng với thời gian và sự phát triển, những gánh hàng cốm rong đã vượt qua lũy tre làng Vòng đến với với những người ăn sành điệu, trở thành đặc sản quý mang tiến vua các triều Lý (1009-1225). Từ đó món cốm trở thành món ăn tao nhã của người Tràng An.

*** Nguyên liệu cách thức làm cốm
Cốm được làm từ lúa nếp non. Ngon nhất là cốm làm từ nếp cái hoa vàng trong vụ mùa lúa chiêm và lúa mùa. Lúa mùa vào khoảng cuối hè đầu thu (rằm tháng 7 đến hết tháng 9 âm lịch). Lúa chiêm vào tháng 4 và 5 âm lịch, cốm thời gian này được gọi là cốm chiêm.
Để có những hạt cốm dẹt, màu xanh non và thơm mùi lúa non thì người dân đã phải trải qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ. Khi cây lúa hoe vàng, khoảng 10 ngày nữa thì gặt rộ thì người làng Vòng đi chọn ngắt từng bông dài, hạt mẩy về chế biến. Muốn có những hạt cốm ngon, thì phải cắt lúa đúng thời điểm. Nếu lúa già hạt cốm già hạt sẽ không xanh, cứng và gãy nát. Nếu lúa non quá hạt cốm sẽ bết vào trấu, nhão. Khi lúa được gặt xong đem rang và giã. Rang lúa ở lửa vừa, hạt cốm chín tới sẽ tự tróc trấu (công đoạn này được cho là khó nhất trong nghề làm cốm). Cốm được giã bằng loại cối riêng, nhịp chày đều đều, nhẹ, nhịp nhàng thì cốm mới mịn và dẻo.
Thời xưa các bà, các mẹ bán cốm thường gánh đôi thúng với một bó lạt bằng rơm nếp nhuộm mạ xanh ngắt trên đầu gánh. Chiếc mẹt đặt úp trên một bên búng xếp vài chiếc lá sen để gói cốm. Cốm được gói vào lá sen già hoặc lá khoai ráy xanh non, bóng mỡ màng và buộc bằng sợi rơm vàng óng. Hình ảnh đơn giản mà quá đỗi thân thương mang hương vị rất riêng của Hà Nội.


***Thời gian nào ăn cốm ngon?
Cốm ngon nhất là vụ cốm mùa thu, từ mùng 1 tháng 7 âm lịch đến tháng 10. Vào mùa thu độ ngon,ngọt thơm lừng mùi lúa non quện với màu xanh tự nhiên của cốm đều phụ thuộc vào thời điểm đầu, giữa và cuối vụ. Vào cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối mùa hạt to và cứng. Cốm vào thời điểm này thích hợp để rang thành cốm khô. Cốm mộc cũng có màu xanh của mạ già pha ánh vàng. Cồn cốm đã bị hồ qua trông xanh tươi mát mắt nhưng chất lượng không thật vị cốm.
Cốm tươi thường được gói trong 2 lớp lá. Một lớp lá ráy tươi bóng để đảm bảo cốm không bị khô. Một lớp là lá sen và buộc lại bởi sợ rơm lúa nếp vàng tươi mang hương vị đồng nội. Ngày nay để đảm bảo cho việc vận chuyển thuận lợi, người ta còn gói cốm bằng túi nilong và hút chân không để bảo quản cốm được lâu. Cốm muốn để lâu ăn dần, có thể bảo quản ở nhiệt độ dưới 10 độ C, có thể bảo quản Cốm ở ngăn đá tủ lạnh. Cốm từ ngăn đá mang ra để ngoài hoặc rã đông sẽ trở lại tươi, mềm và dẻo như lúc mới làm.


**Cách ăn và chế biến cốm
Các đầu bếp đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn từ món Cốm. Cốm tươi có thể ăn ngay, ăn kèm với chuối chín và uống trà (hình ảnh tao nhã này rất quen thuộc với người Hà Nội). Từ cốm chúng ta có thể làm ra rất nhiều món ăn như: xôi cốm, chè cốm, bánh cốm, bánh su sê, nem cốm, chả cốm…
Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, ngày nay Cốm làng Vòng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng người yêu ẩm thực Hà Nội và biểu tượng đặc trưng của mùa thu Hà Nội:


“ … Hà Nội mùa thu; mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ…”