15 phong tục truyền thống trong dịp Tết cổ truyền của người Việt

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của Việt Nam, trong dịp này có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng.
Trong những ngày Tết, các thành viên trong gia đình dù có đi đâu xa cũng đều trở về sum họp bên nhau, cùng nhau thăm hỏi người thân, họ hàng, mừng tuổi, đi lễ đầu năm cầu may mắn,... Dưới đây là những phong tục truyền thống đẹp của người Việt trong dịp Tết.

1. Cúng ông Công, ông Táo
Theo quan niệm của người Việt Nam thì vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc gia chủ đã làm trong 1 năm vừa qua. Và Táo Quân sẽ quay lại hạ giới vào đêm Giao Thừ để tiếp tục công việc coi bếp lửa của mình.
Phong tục thờ cúng Táo Quân của Việt Nam không phải là một hủ tục mê tín dị đoan mà đó là một tín ngưỡng văn hóa dân gian. Tín ngưỡng này giầu ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt và sống lương thiện.


2. Thăm mộ tổ tiên
Con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Và thắp hương mời ông bà tổ tiên cùng về ăn Tết với các con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.


3. Lau dọn nhà cửa
Người Việt tin rằng, vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại, vệ sinh nhà cửa, đồ vật sạch sẽ trong những ngày cuối năm. Xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều tài lộc và may mắn. Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này.


4. Chơi hoa dịp Tết
Theo dân gian, chơi hoa ngày Tết khác với hoa ngày thường. Màu sắc hay những loại hoa ngày Tết có ý nghĩa phù hợp sẽ mang lại may mắn. Việc cắm hoa ngày đầu năm theo đó, cũng được cho là mang lại may mắn tương tự. Trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, mỗi một bông hoa, bình hoa đều mang những ý nghĩa riêng. Đồng thời còn góp phần đem đến may mắn và tài lộc cho gia chủ.
Cây quất là cây tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia đình. Hoa Đào miền Bắc và Hoa Mai miền Nam. Ngày nay, Việt Nam có thêm rất nhiều loại hoa được người dân mua về trang trí trong nhà để đón năm mới như Hoa Lan, Hoa Ly, Hoa Thủy Tiên….

5. Gói bánh chưng
Phong tục gói bánh chưng ở nước ta gắn với truyền thuyết từ thời Vua Hùng mang giá trị văn hóa truyền thống trường tồn với thời gian. Trải qua ngàn năm Bắc thuộc và thời kỳ đô hộ của thực dân phương Tây, phong tục gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết vẫn không hề mai một trong tâm thức mỗi người dân đất Việt. Mỗi khi xuân về, các gia đình thường gói bánh chưng từ ngày 27-28-29 Tết để dâng lên tổ tiên hoặc làm quà biếu cho họ hàng và bạn bè. Vì thế Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.

6. Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả là một trong những thứ quan trọng để chưng bày trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết của người Việt. Nó mang một ý nghĩa là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia chủ và luôn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta.
Mâm ngũ quả thường gồm 5 loại trái cây khác nhau, các loại quả được lựa chọn đại diện cho nguyện ước, mong muốn của gia chủ trong năm mới. Mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. 5 màu sắc khác nhau, tượng trưng cho quy luật đất trời theo ngũ hành Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng). Bên cạnh đó, "ngũ" còn tượng trưng những ước nguyện của gia chủ về một cuộc sống sung túc, viên mãn: Phúc (may mắn); Quý (Giàu có, sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình yên).

7. Cúng tất niên
Tất Niên theo tiếng Hán: Tất nghĩa là xong, Niên là năm. Chính vì vậy, Tất Niên là kết thúc 365 ngày của một năm để bước sang một năm mới.
Cúng tất niên là một nghi thức quen thuộc và ý nghĩa là để đánh dấu kết thức một năm và chào đón một năm mới tốt đẹp hơn. Mỗi vùng miền sẽ có quan niệm cúng tất niên khác nhau chính vì thé tùy thuộc từng nơi bạn có thể tiến hành tiệc tất niên hay cúng tất niên theo đúng nghi lễ cùng miền.Lễ cúng tất niên còn là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp, ngồi lại với nhau sau một năm làm việc vất vả. Các con cháu tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cảm tạ trời đất.


8. Đón giao thừa
Giao thừa bắt đầu từ thời khắc 0 giờ: 0 Phút: 0 giây, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bước sang ngày đầu tiên của năm mới, đánh dấu kết thúc năm cũ theo âm lịch. Là thời khắc quan trọng khi đất trời giao hòa. Đêm giao thừa còn có tên gọi khác là đêm Trừ Tịch, từ 11h đêm ngày 30 đến 1h sáng mùng 1 Tết là đêm linh thiêng nhất của mọi gia đình Việt. Thời khắc này cũng là thời khắc mà các gia đình cùng làm lễ thắp hương cúng gia tiên, quây quần bên nhau để tiễn năm cũ đón năm mới, cầu sức khỏe, may mắn tài lộc, an khang thịnh vượng cho tất cả thành viên trong gia đình. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời.

9. Hái lộc
Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.
Theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, hái lộc xuân từ những cây thuốc thuộc bộ tứ linh thực vật (đa, sung, xanh, si) sẽ mang đến cho mọi người những kết quả tốt đẹp nhất vì những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật (long, lân, quy, phụng) trấn ải vùng ngoại thất, còn những lộc hái từ những cây thuộc bộ tứ quý thực vật (tùng, cúc trúc, mai) ứng với tứ bình thuộc phạm vi nội thất. Bốn góc nhà sẽ phối hợp tạo niềm vui, hạnh phúc và sức khoẻ cho mọi người trong gia đình.
"Lộc" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc.
Theo đó, trong cụm từ “hái lộc đầu xuân” sẽ mang ý nghĩa là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá.
Theo tục người xưa, đầu năm, mọi người sau khi đến đình, chùa thắp hương đầu năm sẽ hái một nhánh cây non mang về treo trước nhà hoặc bày trên bàn thờ với hi vọng có thể đem phước lộc về cho gia đình.

10. Xông đất
Tục xông đất (hay còn gọi là xông nhà hay đạp đất) vào đầu năm mới là phong tục cổ truyền được dân tộc ta giữ gìn qua bao thế hệ. Không ai nhớ tục xông nhà bắt nguồn từ khi nào, chỉ nhớ từ rất lâu ông bà ta đã xem xông nhà như một nghi thức không thể thiếu vào mỗi dịp tết cổ truyền dân tộc. Khi đã bước qua thời khắc giao thừa là có thể xông đất.
Xông đất để cầu mong những điều may mắn, mọi điều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình. Theo quan niệm truyền thống, người nào bước vào nhà gia chủ đầu tiên sau thời điểm giao thừa với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Gia chủ thường chọn người xông đất là nam giới, hợp tuổi, thành đạt, gia đình hạnh phúc, tốt tính… với quan niệm rằng trong ngày mùng 1 Tết nếu được người có vận khí tốt đến xông nhà thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, suôn sẻ.


11. Xin chữ
Không biết từ bao giờ mà cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt Nam lại có tục lệ là xin chữ vào ngày đầu năm mới. Theo nhà thư pháp Cung Khắc Lược thì ý nghĩa của việc xin chữ đầu năm là mong muốn cả một năm đều may mắn, bình an và phúc lộc thọ tràn ngập với bản thân cũng như gia đình mình. Những chữ được xin thường là chữ Tâm, Phúc, Đức, An, Lộc, Thọ, Phát… Đây là một phong tục mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức của người Việt đồng thời cũng để cầu may mắn, tài lộc, phúc thọ đầy nhà trong năm mới.


12. Phong tục dựng cây nêu ngày Tết
Dựng cây nêu Tết là một phong tục truyền thống tại nhiều địa phương trong dịp Tết cổ truyền. Một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét với vàng mã, bùa trừ tà, giải cờ vải tây, tấm vải điều, hình cá chép bằng giấy… được treo ở trên ngọn được dựng lên để mừng năm mới tới đồng thời xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.
Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp - ngày Táo quân về trời và được hạ xuống vào ngày mùng 7 Tết.

13. Chúc tết và mừng tuổi
Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Thường trong sáng mồng một Tết, con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại những đồng tiền mới đựng trong phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.


14. Xuất hành
Đầu năm mới, người Việt có tục xuất hành - tức là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Xuất hành là ra đi, ra khỏi cổng, đi khỏi đất làng xã mình ở, bất cứ đi đâu, đi có việc gì. Theo quan niệm dân gian, nếu xuất hành đầu năm đúng giờ tốt, hướng tốt sẽ giúp cả năm may mắn trong công việc, tiền tài.

15. Đi lễ chùa đầu năm
Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

Chúc các bạn một năm mới bình an!

*** Tết Nguyên Đán là gì?

***  Ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp