Đền Bà Chúa Thác Bờ Hòa Bình

Đền Thác Bờ được xây dựng trên địa phận 2 huyện là huyện Đà Bắc và Cao Phong tỉnh Hòa Bình. Đền Thác Bờ nằm trên đỉnh đồi Hang Thần nhìn xuống dòng sông Đà huyền thoại, mênh mông đã tạo nên một bức tranh vô cùng tuyệt đẹp giữa lòng hồ Sông Đà kỳ vĩ. Đền Thác Bờ là một di tích lâu đời có giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần của người dân vùng Hồ hòa Bình nói riêng và nhân dân cả nước Việt Nam nói chung. Là di tích quan trọng và tâm linh bậc nhất của tỉnh Hòa Bình.

Theo truyền thuyết kể lại khoảng năm 1430 – 1432, khi vua Lê Lợi niên hiệu Thuận Thiên đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi vua Lê Lợi kéo quân đến khu vực Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở tung bọt trắng trời, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên đoàn quân không thể tiến lên được. Lúc bấy giờ ở xóm Hào Tráng có cô gái người dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và cô gái người dân tộc Dao (không nhớ rõ tên) ở xóm Mỏ Né, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nứa kết thành bè mảng, góp lương thực, thưc phẩm cho Vua Lê lợi nuôi quân và chở chiến sỹ qua Thác Vạn Bờ đi dẹp loạn giặc ở Đèo Cát Hãn, Mường Lễ, Sơn La


Trên đường chiến thắng trở về, vào tháng 3 năm Nhâm Tý (1432) vua Lê Lợi dừng chân ở Thac Bờ làm lễ khao quân, lúc này hai cô lại vận động bà con nhân dân trong bản trong mường góp cơm lam, thịt muối chua, rượu cần, múa hát thường đang bộ mẹng, ném còn, múa xòe để liên hoan mừng chiến thắng
Về sau khi hai bà mất, hai bà thường hiển linh và giúp đỡ mọi người mỗi khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Từ đó nhân dân đã phong cho hai bà là Bà Chúa Thác Bờ. Vua đã ban chiều chỉ cho dân trong vùng lập Đền thờ hai bà. Ngôi đền đó được gọi là Đền Thác Bờ


Trước đây Đền Thác Bờ toạ lạc ngay dưới chân bia đá khắc bài thơ của vua Lê Lợi, được khởi dựng bằng tranh tre, nứa, mái lợp gianh. Đến năn 1979 khi khởi công xây dựng Nhà Máy thủy điện Hòa Bình ngôi đền phải dịch chuyển lên cao dần. Đến năm 1993 gia đình ông Hoàng Hữu Tới cùng bà con nhân dân và chính quyền địa phương đã dựng lại ngôi đền như ngày nay.
Về kết cấu kiến trúc của ngôi đền hiện nay có hình chữ đinh (J) gồm Đại bái và Hậu cung. Nhà đại bái được chia làm 2 phần: Phần ở ngoài dành riêng cho khách hành lễ. Phần này có kiến trúc gỗ đơn giản, các bộ vì được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, mái lợp ngói Sông Cầu; Phần ở trong là 3 gian với 3 vòm cuốn cho 3 cung, mái đổ bê tông. Các gian này đều có hệ thống tường và cửa ngăn cách nhau. Bên trong bài trí 6 ban thờ theo trục cân xứng. Hậu cung được nối với nhà Đại bái theo kiểu chuôi vồ.


Năm 2009, Động Thác Bờ đã được Bộ Văn hoá - thể thao và du lịch công nhận là di tích danh thắng quốc gia và trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng. Hàng năm người dân nơi đây mở lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội không tổ chức lớn nhưng luôn cho người tham dự một cảm giác uy nghiêm bởi sự hùng vĩ của núi non, sông nước và 38 pho tượng lớn nhỏ trong đền.
Bên cạnh đền Thác Bờ du khách cũng có cơ hội thăm quan và khám phá động Thác Bờ với nhiều tầng thạch nhũ, muôn hình lung linh soi bóng nước, cây bạc, cây vàng, lọng trời, dàn đàn đá, dàng cồng chiêng của người Mương …tạo nên một vẻ đẹp tuyệt mỹ cho động Thác Bờ.


Đến với đền Thác Bờ du khách không chỉ được hòa mình vào với thiên nhiên thơ mộng, cầu bình an mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng Tây Bắc như cá nướng ngay trên mặt hồ, măng rừng, gà đồi…

*** Tour Hà Nội - Thung Nai - Thác Bờ - 1 Ngày
*** Hà nội - Thung Nai - Thác Bờ - Mai Châu - 2 Ngày/ 1 Đêm
*** Hà nội - Thung Nai - Thác Bờ - Mai Châu - Pù Luông - 3 Ngày/ 2 Đêm